DI TÍCH NÚI & ĐỀN ĐỒNG CỔ

Đăng lúc: 14:28:54 14/10/2021 (GMT+7)

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử - văn hóa của xã Yên Thọ, huyện Yên Định, là một trong những ngôi đền linh thiêng có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh.

 

 

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử - văn hóa của xã Yên Thọ, huyện Yên Định, là một trong những ngôi đền linh thiêng có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh.

Ngôi đền tọa lạc ở một địa thế đẹp, có phong cảnh sơn thủy hữu tình, cách Trung tâm thành phố Thanh Hóa về phía Tây chừng 40 km, cách huyện lỵ Yên Định chừng 12 km theo quốc lộ 45 hướng Tây Bắc, và cách cầu Hàm Rồng theo đường sông Mã chừng 47 km, cùng với di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn,… đã tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa có bề dày truyền thống lâu đời của xứ Thanh.

Đền Đồng Cổ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 2001.

Ai về Đồng Cổ Đan Nê

Thăm hồ Bán nguyệt bốn bề non cao

Hồ tiên thiên cổ ai đào

Để cho mặc khách bước vào bồng lai

Nơi đây có động Tam Thai

Trống trời còn vọng non đoài xứ Thanh.

Hàng năm, vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch, chính quyền địa phương Yên Thọ tổ chức lễ hội Kỳ phúc gắn với Núi và Đền Đồng Cổ để tưởng nhớ vị thần đã có công “Hộ dân bảo quốc”

Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn được gọi là thần Trống đồng, là vị thần được thờ ở Đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (Núi Khả Lao), làng Đan Nê, xã Yên Thọ, tỉnh Thanh Hóa.

Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là 1 cụm có 3 ngọn núi có tên là Tam Thai, vì núi nổi lên 3 ngọn đá cao thấp liền nhau, như hình dáng 3 vì sao.

          Tổng diện tích của khu di tích khoảng 11 ha, được bao quanh bởi 3 ngọn núi, trong lòng núi là khu vực đền và hồ Bán nguyệt.

 

 

Lịch sử ngôi đền ở Thượng Điện đã ghi: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ rất hiển linh, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn...”. Trải qua năm tháng, miếu bị hư hỏng, bị chiến tranh hủy hoại.

Nhờ ánh sáng văn hóa của Đảng mang lại trong công cuộc đổi mới, năm 1993, Đền được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp tỉnh.

Năm 1996, nhân dân trong xã và bà con xa quê đóng góp xây dựng lại miếu đường để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ.

Năm 2001, đền được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Núi và đền Đồng Cổ theo 2 giai đoạn với tổng kinh phí dự toán trên 35 tỷ đồng.

Năm 2008, bắt đầu khởi công xây dựng.

Tháng 2 năm 2010, khánh thành giai đoạn 1 và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.

Kiến trúc ngôi đền được xây dựng theo kiểu thời nhà Lý: Tiền điện gồm 2 tầng, 8 mái, 5 gian, 1 ban thờ thần Đồng Cổ. Phía dưới là Thượng điện gồm: 3 gian, 3 bàn thờ thần Đồng Cổ và những vị anh hùng có công lao trong sự nghiệp đánh giặc bảo vệ đất nước. Sau cùng là Hậu cung, được bố cục với kiến trúc gọn gàng và cổ kính.

Năm 2015, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia tại Thanh Hóa, và đã về đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ rước linh khí thần Đồng Cổ thắp sáng dàn lửa khai mạc.

Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chọn tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ với quy mô cấp huyện, và là một trong những sự kiện nổi bật chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.

 

 

Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng đi đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi đến chân núi Khả Lao (nay là làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), đại quân nghỉ chân ở đây. Đêm đến nhà vua mộng gặp thần núi xin có trống đồng, dùi đồng giúp nhà vua đánh thắng giặc. Ngày mai tỉnh dậy, khi đánh trận với giặc nghe trên không ầm vang tiếng trống đến đâu, quân giặc khiếp vía bỏ chạy đến đấy. Quân ta thắng trận trở về. Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương”.

Vào năm 986, Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn đi dẹp giặc Chiêm Thành ở phương Nam, khi đến sông Ba Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gặp mưa to, gió lớn, thuyền bè không đi được. Thần Đồng Cổ hiện lên báo mộng và giúp sức, Lê Hoàn chắp tay tế lạy, trời liền quang mây, gió liền ngưng thổi. Đoàn thuyền tiếp tục Nam tiến. Thắng trận trở về, Lê Hoàn đã vào đền tạ lễ và ghi câu đối:

Long Đình hiển tích Tam Thai lĩnh

Mã Thủy thanh lai bán nguyệt hồ

 

Vào năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha kéo quân từ Thăng Long vào phía nam đánh giặc Chiêm Thành, dừng chân nghỉ tại khu vực miếu thờ núi Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đến giờ Tý (khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng), Thái tử mơ thấy có người hiện ra khuôn mặt phong sương, râu cứng, mặc áo giáp bào, tay cầm binh khí đứng trước mặt mình và nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Sáng hôm sau, Thái tử Phật Mã đem quân đánh đến đất Quảng Bình thì giặc tan. Thắng trận trở về, Thái tử đến núi Đồng Cổ sai quân dọn dẹp miếu thờ, sắm lễ tạ và xin rước linh vị về Thăng Long, Hà Nội thờ phụng để giúp dân giữ nước. Bởi vậy, không chỉ ở Thanh Hóa có đền thờ thần Đồng Cổ mà ở Hà Nội cũng có 1 ngôi đền thờ ngài, cũng gọi là đền Đồng Cổ (nay ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội).

“…Tám năm sau (năm 1028), trước hôm vua Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng 3 âm lịch), thần Đồng Cổ lại báo mộng rằng sắp có loạn Tam Vương. Quả nhiên, khi Lý Thái Tổ vừa băng hà, ba con trai là Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương đưa quân vào ém trong Cấm Thành, toan đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử đã dẹp được cuộc nổi loạn này”.

 Từ ấy, mỗi năm 1 lần vào ngày 4/4 âm lịch, Nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, bắt các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời


                                                                                                                                                                                                                                              Làm tôi bất trung

  Làm con bất hiếu

Thần minh tru diệt.

Cũng như bây giờ Bác Hồ đã dạy chúng ta là phải Trung với nước, Hiếu với dân.

Hội thề Trung Hiếu có từ đấy và đền Đồng Cổ ở Thăng Long, Hà Nội cũng có nguồn gốc phát tích từ đến Đồng Cổ làng Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa.

Đền Đồng Cổ xã Yên Thọ vốn là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta nên trong đền còn có rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại.

Trước sân rồng của đền có Hồ Bán Nguyệt như một tấm gương soi mây trời lồng bóng núi. Nước từ hồ chảy thông qua chân núi ra đến sông Mã. Bên kia hồ là 2 tấm bia đá, cheo leo giữa sườn núi, 1 tấm ghi bằng chữ Pháp (bên trái), 1 tấm ghi bằng chữ Hán (bên phải) đều ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây, công lao và lòng thành kính đối với ngôi đền.

Những di tích nguyên gốc còn lại đến ngày nay ngoài 2 tấm bia kể trên chỉ còn chiếc miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi (tức quán Triều Thiên) và chiếc cổng Nghinh môn.

Cổng nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15, cao 9m, rộng 3m, được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa) cuốn thành vòm tò vò.

Ở lưng chừng núi có chùa Thanh Nguyên, phía trên gần ngọn núi có quán Triều Thiên:

Trèo lên thăm quán Triều Thiên

Ngắm nhìn sông núi, cảnh tiên non bồng

Thanh Long, bên ấy Hồ Công

Bên đây Bạch Hổ, núi Thung, giếng trời

...

Từ đỉnh quán Triều Thiên nhìn xuống, chúng ta như bị lạc vào thế giới bồng lai tiên cảnh. Từ đây nhìn xuống 4 phương cả một vùng đất trời, làng mạc, núi sông bao quanh như một bức tranh vẽ hoàn hảo, lung linh đủ màu sắc trong lúc ban mai hay lúc chiều tà. Tương truyền, quán Triều Thiên là nơi giao cảm giữa lời khẩn cầu của con người với trời đất. Mỗi khi trong làng có việc hệ trọng cần sự phù trợ của đấng tối cao, người dân sẽ gióng lên tiếng trống Sấm và lập đàn cầu tế trên quán Triều Thiên để mọi sự được hanh thông, tai qua nạn khỏi.

Động Ích Minh

Bên phải đền có động Ích Minh. Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thanh niên trai tráng trong làng đi tham gia kháng chiến, trước khi đi các thanh niên tập trung vào Đền thắp hương xin thần phù hộ, sau đó tất cả đi theo đường hang ra sông để xuống thuyền nên còn gọi là hang Tòng Quân. Đây còn là nơi sản xuất vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hang Bà Lung (Hang Nội)

Bên trái đền cũng có 1 cái hang, ngày xưa gọi là hang Bà Lung, sau năm 1945, công binh xưởng về đây lấy hang làm nơi sản xuất vũ khí nên còn được gọi là hang công binh xưởng.

Đến năm 1964, 1965 giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhà máy điện Hàm Rồng chuyển về hang này để phát điện cho cả tỉnh Thanh Hóa.

 

Ngày xưa, xung quanh ba ngọn núi đá bao quanh đền là rừng cây nguyên sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim thú. Nhưng qua biết bao biến đổi, nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Dù nằm khá gần đường lớn dân sinh, nhưng ở nơi sông núi bao quanh, non nước hữu tình, chim chóc hoan ca, hoa rừng đua nở thì người ta có cảm giác khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ ngàn vạn năm vẫn như vậy, là chốn linh sơn nghỉ chân của vị thần tối linh.

Trước đây, trong đền có cỗ trống đồng lớn, nhưng đến thời Lê Mạt bị mất. Sang thời Tây Sơn, khoảng năm 1976, trấn thủ Thanh Hóa là Nguyễn Quang Bàn đã cúng vào đền một trống đồng mà ông tìm thấy ở một bờ sông. Ông có làm một bài tán khắc trên biển gỗ sơn son thiếp vàng kể lại sự việc cung tiến trống đồng. Có một bài báo nói rằng, một người trong đoàn ngoại giao nước ta khi vào bảo tàng Paris, Pháp thấy nguyên bản chiếc trống đồng có đề Trống đồng Đan Nê, Thanh Hóa, năm 1932. Ông đã chụp lại ảnh và sau này đúc được trống đồng theo mẫu ấy dâng tặng đền Đồng Cổ.

Những nghệ nhân đúc đồng xứ Thanh hàng năm thường lên dâng hương tạ lễ thần Đồng Cổ để mong ngài phù hộ độ trì cho sự nghiệp được hanh thông. Nhất là những dịp có sự kiện lớn như: Đúc trống phục vụ đại lễ, đưa trống cung tiến lên đình, đền, đúc trống có độ lớn kỷ lục... Để công việc được thuận lợi, thành công, các nghệ nhân đều lên đền Đồng Cổ để làm lễ tế cáo với thần, xin rước lửa thiêng của đền về để chập lò đúc trống. Mỗi lần đúc xong, Trống đồng lại được đưa lên đền Đồng Cổ để làm lễ nhập linh. Bởi vậy, khi trống được đưa đi cung tiến, dâng tặng đều có lễ nghênh rước cẩn trọng. Mỗi chiếc trống đồng trưng bày ở đâu cũng được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

          Ngày nay, đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ trở thành điểm đến tâm linh đầy sức hút. Đây thực sự là di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, là nơi linh thiêng thắp hương cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về.

Đây cũng là điểm tham quan thưởng ngoạn không gian sơn thủy hữu tình với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, thể hiện khát vọng độc lập, hòa bình, tinh thần thượng võ và ý chí quật cường của cha ông ta trên hành trình dựng nước và giữ nước từ thời đại vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Đến bây giờ, chúng ta đang phát huy truyền thống này trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, xây dựng 1 nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sự linh thiêng suốt hơn mấy ngàn năm lịch sử sẽ còn lắng đọng mãi cho đến muôn đời sau.

 

 NGƯỜI SƯU TẦM BÀI VIẾT
CÔNG CHỨC VĂN HÓA, XÃ HỘI




Trịnh Hữu Hạnh 
         

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc